Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Quê hương đón các anh về

2022-04-29 11:49:00.0

Hành trình đưa các liệt sĩ về quê nhà của Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 Thái Nguyên

Yên lòng mẹ

Không còn những cơn mưa rả rích, bầu trời tháng Tư trở nên trong xanh, không khí dịu mát như để đón các anh về với gia đình.

Dưới hiên nhà, mái tóc đã bạc gần hết và đôi mắt mờ đục, mẹ Phan Thị Canh (ở xã Yên Trạch, Phú Lương) nhìn ra con đường phía trước nóng lòng chờ đợi. Bao năm rồi mẹ vẫn ngồi lặng lẽ như vậy, với nỗi đau như hằn lên khoé mắt. Hôm nay, mắt mẹ cũng đẫm lệ, nhưng đó là nước mắt của niềm vui đoàn tụ. Vừa nhìn thấy hài cốt người con cả Mai Lương Bằng được phủ trong lá Quốc kỳ, mẹ Canh oà khóc. Sau gần 50 năm xa cách, hôm nay con của mẹ về nhà.

Ông Ma Minh Tuân, con thứ của mẹ Canh nói: Anh tôi nhập ngũ năm 1974, thuộc Sư đoàn 5 chiến đấu ở khu vực Đông Nam bộ; gia đình nhận được giấy báo tử vào năm 1977.  Suốt bao nhiêu năm ròng, chúng tôi tìm kiếm thông tin ở nhiều nơi, qua nhiều kênh khác nhau nhưng không có kết quả. Cũng vì sự sai khác về họ trong hồ sơ của anh Bằng (họ Ma và Mai - PV) nên việc xác minh càng thêm khó. Trong lúc tưởng chừng như hết hy vọng thì các anh trong Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 Thái Nguyên có kết nối. Cả nhà vô cùng hạnh phúc. Để đưa được anh về là cả một quá trình xác minh, đính chính thông tin với sự giúp đỡ của đồng đội và chính quyền các cấp.

Giống như mẹ Canh, mẹ Lê Thị Mít (ở tổ 1, phường Châu Sơn, TP. Sông Công) đã bật khóc khi đón hài cốt con trai - liệt sĩ Trần Văn Phúc. Ở tuổi xưa nay hiếm, sức khoẻ đã yếu và tâm trí của mẹ cũng không còn minh mẫn, lúc nhớ lúc quên.

Mọi người trong nhà kể: Từ ngày anh Phúc hy sinh, không đêm nào mẹ ngủ ngon giấc. Mẹ thương anh là cả, phải vất vả lo cho các em. Rồi đi bộ đội khi còn quá trẻ, thời điểm hy sinh vẫn chưa đầy 20 tuổi. Dù không thể nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng giờ mẹ đã yên lòng, không còn phải thao thức ngóng chờ con nữa. Tâm nguyện ở tuổi xế chiều của mẹ đã thành hiện thực.

Lễ an táng hài cốt liệt sĩ La Ngọc Bích, ở xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương

Trong số những thân nhân trong đoàn đón hài cốt liệt sĩ trở về lần này có một trường hợp đặc biệt là anh Nguyễn Văn Dự - con trai duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Mạnh Tham (quê ở xã Nga My, Phú Bình). Anh ngậm ngùi: Tôi sinh ra đúng năm niềm Nam hoàn toàn giải phóng. Mẹ tôi kể rằng, bố nhập ngũ năm 1974, sau một thời gian huấn luyện thì có xin đơn vị về thăm nhà chốc lát trước khi vào Nam chiến đấu và rồi mãi không trở về nữa. Vì thế mà tôi chỉ biết mặt bố mình qua bức ảnh”.

Trong suốt hành trình gần 2.000km từ Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tân Biên (Tây Ninh) về Thái Nguyên, anh Dự luôn trong tâm trạng thắc thỏm. Anh vui vì đã đưa hài cốt của bố về, anh hiểu tấm lòng của mẹ bao năm vẫn ở vậy chờ chồng.

Mệnh lệnh từ trái tim

Nói về liệt sĩ Nguyễn Mạnh Tham, ông Ngô Hồng Mưu, Trưởng Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 Thái Nguyên nhớ như in trong tâm trí: Cậu ấy hy sinh ngày 23/4/1980 trên đất bạn Campuchia. Là đồng hương, lại cùng ăn ở, sinh hoạt khi học trường quân chính và cùng đơn vị là Trung đoàn 4 nên chúng tôi rất thân thiết. Tham rất đẹp trai và phong độ, trong sinh hoạt hằng ngày thì vui tính, cởi mở nên được lòng mọi người. Còn lúc chiến đấu thì rất “lỳ”, luôn là người xung phong lên đầu. Trong trận chiến đấu hôm đó, Tiểu đoàn 3 bị phục kích và gần như hy sinh toàn bộ. Khi đồng đội đến ứng cứu thì thấy xung quanh Tham là 4-5 khẩu súng. Anh ấy gom súng của đồng đội, cầm cự ở điểm chốt để chiến đấu tới hơi thở cuối cùng.

Với tâm niệm bản thân đang sống cả phần đời của đồng đội nên các thành viên Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 Thái Nguyên dù tuổi đã cao, sức không còn khoẻ nhưng vẫn miệt mài với những chuyến “hành quân” về lại chiến trường cũ để tìm đồng đội.

“Tôi từng nói với chị Tạ Thị Gái là vợ anh Tham là nhất định sẽ đưa hài cốt anh về với gia đình. Mừng vì đến giờ lời hứa đó đã hoàn thành. Có một điều đặc biệt là hôm trở về cũng sát với ngày giỗ lần thứ 42 của anh” - ông Ngô Hồng Mưu chia sẻ.

Chuyến hành trình đưa hài cốt 8 liệt sĩ trở về quê nhà lần này là cả một nỗ lực. Ông Phạm Ngọc Quý, thành viên Ban liên lạc Sư đoàn 5 Thái Nguyên chia sẻ: Khó khăn nhất là việc tìm kiếm, xác minh và đính chính thông tin. Vì nhiều trường hợp chúng tôi tìm đến đã đúng số hiệu đơn vị, thời điểm hy sinh nhưng lại sai lệch tên, họ hoặc quê quán so với thời điểm hiện tại. Cũng may là các cấp chính quyền và đồng đội luôn đồng hành giúp đỡ. Như chuyến đi vừa rồi, việc ăn nghỉ của 19 người gồm thành viên Ban liên lạc và thân nhân liệt sĩ cơ bản do đồng đội trong đó bố trí; Trung tâm Cấp cứu 115 Hùng Nga (Bình Dương) tài trợ toàn bộ 2 xe ô tô để đưa đoàn trở về nhà.

Được biết, tới nay Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu Sư đoàn 5 Thái Nguyên đã thực hiện 4 chuyến hành trình, đưa 15 hài cốt của đồng đội về với gia đình. Ông Ngô Hồng Mưu chia sẻ tâm huyết: Chiến tranh để lại nhiều đau thương mất mát, đồng đội đã nằm lại cho chúng tôi được sống trở về. Do vậy, mọi thành viên luôn xác định việc đưa các anh trở về đoàn tụ gia đình là mệnh lệnh từ trái tim, là nghĩa tình đồng đội và để thân nhân các anh được yên lòng.


baothainguyen.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1471206