Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Nhiều mục tiêu chuyển đổi số ngành thuế

2024-04-19 09:45:00.0

Chuyển đổi số có những bước tiến lớn

Tại Hội nghị triển khai công tác cải cách hiện đại hóa và chuyển đổi số ngành thuế năm 2024 mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, ngành thuế đang triển khai chiến lược cải cách hiện đại hóa đến năm 2030. Đây là nhiệm vụ cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang có những cải cách mạnh mẽ. “Chuyển đổi số đang có những bước tiến lớn để ngành thuế giữ vững vị trí hàng đầu trong cuộc cuộc cải cách và ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế nói riêng và ngành tài chính nói chung”, ông Thành nhấn mạnh.

Trên thực tế, những năm qua, ngành thuế đã triển khai, liên tục phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ điện tử, đáp ứng triển khai toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến của ngành thuế, mở rộng thêm nhiều tính năng, tiện ích hỗ trợ người nộp thuế. Nổi bật là việc triển khai thành công Hệ thống khai thuế điện tử; dịch vụ nộp thuế điện tử; hoàn thuế điện tử. Qua đó, tạo điều kiện cho người nộp thuế thực hiện thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện. Hiện nay, hệ thống thuế điện tử cung cấp dịch vụ cho hơn 920.000 doanh nghiệp và hàng chục triệu cá nhân, hộ kinh doanh truy cập sử dụng thường xuyên.

Ngành thuế là đơn vị dẫn đầu trong chuyển đổi số của Bộ Tài chính. Nguồn: ITN

Ngày 5.4.2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư khen Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cơ quan thuế các cấp tại tỉnh, thành phố đã cơ bản thực hiện thành công phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Sau gần 5 tháng triển khai, ngành thuế đã cơ bản thực hiện thành công phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Theo Thủ tướng, điều này góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện Chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo chủ trương chung của Chính phủ. 

Bên cạnh đó, ngành thuế thiết lập Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế trực tuyến thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 Cục Thuế và 413 Chi cục Thuế. Năm 2021 ngành thuế tăng tốc với những giải pháp triển khai chuyển đổi số cụ thể như Kích hoạt Hệ thống hóa đơn điện tử, Triển khai ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile); hay triển khai Cổng thông tin thương mại điện tử; Cổng thông tin điện tử Nhà cung cấp nước ngoài trong năm 2022 để thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Với công tác quản lý nội ngành, ngành đã triển khai Hệ thống quản lý thuế điện tử tập trung TMS; ứng dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế; hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử; bản đồ số về hộ kinh doanh; liên thông điện tử với các cơ quan quản lý nhà nước khác… Các hệ thống, ứng dụng luôn được cập nhật, nâng cấp hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và tăng cường cung cấp dịch vụ thuế điện tử chất lượng cao cho người nộp thuế.

Tối thiểu 80% hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, chuyển đổi số nằm trong nội hàm của công tác cải cách hiện đại hóa. Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi số được tách ra bàn luận cho thấy vai trò vị trí rất quan trọng và đang chuyển động rất mạnh mẽ trong ngành thuế với mục tiêu bám sát chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, giúp ngành thuế đi nhanh hơn và phù hợp với mục tiêu chung của Chính phủ cũng như của Bộ Tài chính.

Trong năm 2024, ngành thuế tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số như áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản lý thuế, quản lý hóa đơn. Các giải pháp này góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh người nộp thuế gian lận về hóa đơn; xây dựng dữ liệu bản đồ số đối với hộ kinh doanh trên toàn quốc; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới; tiếp tục hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc triển khai các chương trình hỗ trợ người nộp thuế; nghiên cứu và thực hiện cung cấp thông tin tự động (trí tuệ nhân tạo-AI, chatbot)...

Cụ thể, ngành thuế đặt mục tiêu: tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại; ít nhất 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; ít nhất 90% hệ thống máy chủ được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây.

Cùng với đó, ngành thuế hướng đến 100% cán bộ công chức viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản theo lộ trình chung của Chính phủ; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng khai thác dữ liệu và công nghệ số phục vụ cho công tác chuyên môn (mục tiêu đến 2025).

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đặt mục tiêu 100% công chức có chức năng, nhiệm vụ phải xử lý công việc ngoài trụ sở cơ quan thuế có thể truy cập hệ thống làm việc từ xa; 100% số tiền nộp thuế điện tử được hạch toán theo thời gian thực nộp.


daibieunhandan.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1470971