Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Giám sát tình hình kinh tế - xã hội tại các xóm, bản đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương

2022-06-07 09:50:00.0

Đồng chí Ân Văn Thanh, Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Lương đồng bào dân tộc Mông sinh sống tập trung chủ yếu ở xóm Đồng Tâm (xã Động Đạt), xóm Na Sàng và Phú Thọ (xã Phú Đô) với tổng số 110 hộ, 507 nhân khẩu. Những năm qua, đời sống kinh tế của người dân 3 xóm này từng bước được thay đổi, tuy nhiên số hộ nghèo của 3 xóm vẫn còn 32/154 hộ, chiếm trên 20%, trong đó có tới 28 hộ nghèo là người dân tộc Mông. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Mông tại 2 xóm Đồng Tâm và Na Sàng được xếp vào 1 trong 14 dân tộc có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025.

Thời gian qua, huyện Phú lương đã triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống nhằm ổn định đời sống đồng bào. Theo đó: Chương trình 135 trong giai đoạn 2016 - 2020 đã triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại 3 xóm Đồng Tâm, Na Sàng và Phú Thọ với 150 hộ nghèo và cận nghèo được thụ hưởng. Đề án 2037 “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” đã xây dựng 02 tuyến đường tại xóm Na Sàng và xóm Phú Thọ với chiều dài 4km, tổng kinh phí trên 7,6 tỷ đồng. Quyết định số 3462/QĐ-UBND ngày 16/12/2016 của UBND tỉnh về phương án “Hỗ trợ muối i ốt phòng chống bướu cổ, thiểu năng trí tuệ cho người dân tộc và miền núi tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2020” đã hỗ trợ khoảng 2,5 tấn muối i ốt/năm cho người dân của 3 xóm có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn huyện Phú Lương…

Sau khi nghiên cứu báo cáo và tài liệu liên quan, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện Phú lương làm rõ một số nội dung như: Số lượng mô hình hỗ trợ sản xuất, chỉ rõ những mô hình sản xuất đạt hiệu quả; các số liệu báo cáo phải được đồng nhất để có sự đánh giá bức tranh chung về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn đảm bảo sát thực tế; tình hình nhà ở, đất sản xuất; chính sách đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ người dân tộc Mông trong độ tuổi được tham gia đào tạo nghề và có việc làm sau đào tạo; công tác quản lý, vận động đồng bào dân tộc Mông kết hôn đúng độ tuổi nhằm hạn chế việc tảo hôn…

Kết thúc buổi giám sát, đồng chí Ân Văn Thanh, Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện Phú Lương hoàn thiện báo cáo trên cơ sở làm rõ các nội dung đã được các thành viên Đoàn giám sát tham gia ý kiến, chuyển lại cho Đoàn giám sát để tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND tỉnh theo quy định.

Thanh Tâm
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1471081