Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Phú Bình: Kiên cố hóa trường lớp để nâng cao chất lượng dạy và học

2017-08-09 10:37:00.0

Phân bổ nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm trọng điểm và huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương để giải phóng mặt bằng sẵn sàng đón đợi nguồn đầu tư là những cách làm mà huyện Phú Bình đang thực hiện để kiên cố hóa trường lớp học.

Ông Ngô Tiến Sinh, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Bình cho biết: Năm 2017 là năm Phú Bình được xây dựng nhiều phòng học nhất từ trước tới nay. Tính đến hết tháng 7-2017 toàn huyện đã khởi công xây dựng 11 công trình nhà lớp học ở 11 xã với tổng số 104 phòng học. Tổng trị giá của 11 công trình là trên 170 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 60%; còn lại là nguồn xã hội hóa và tài trợ. Đến nay, tất cả các công trình đã được khởi công và đã thi công đạt 40% khối lượng. Phấn đấu, sẽ có khoảng 30% công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu học kỳ II năm học 2017-2018.

Công trình Nhà lớp học 2 tầng 10 phòng học Trường THCS Tân Hòa đang được thi công xây dựng


Trong số 11 công trình được khởi công, có 3 công trình trường học của cả 3 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm nay là xã Điềm Thụy, Thượng Đình, Tân Đức. Cô Dương Thị Thảo, Hiệu trưởng trường THCS Trần Phú, xã Điềm Thụy cho biết: Để đạt tiêu chí về trường học, từ đầu năm đến nay nhà trường được khởi công 2 công trình gồm: 1 nhà 2 tầng 10 phòng học và 1 nhà hiệu bộ 7 phòng. Tổng mức đầu tư cho 2 công trình là 6,4 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn nông thôn mới và ngân sách Nhà nước. Sau khi các công trình hoàn thành sẽ giúp nhà trường có đủ phòng học, phòng chức năng và các phòng bộ môn. Để đón đợi được nguồn đầu tư này, địa phương và nhà trường đã chủ động giải phóng mặt bằng và các điều kiện cần thiết khác để dự án được đầu tư thuận lợi nhất. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhiều năm nay nhà trường còn huy động có hiệu quả nguồn thu xã hội hóa trong nhân dân để kiên cố cơ sở hạ tầng.

Với 65% là người dân tộc thiểu số, xã Tân Thành là địa phương còn nhiều khó khăn. Vậy nhưng, 2 năm trở lại đây, địa phương đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục. Bà Phạm Thị Súy, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Trong 2 năm học 2015-2016 và 2016-2017 xã đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền với tổng mức đầu tư trên 22 tỷ đồng để xây dựng nhà lớp học trường Mầm non và Tiểu học. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, xã còn vận động có hiệu quả nguồn xã hội hóa của phụ huynh học sinh tham gia đóng góp để xây dựng trường lớp học. Chỉ tính riêng năm học 2016-2017, 3 nhà trường đã huy động được trên 788 triệu đồng để kiên cố hóa trường lớp học. Ngoài ra, phụ huynh học sinh, các cá nhân có lòng hảo tâm còn đóng góp thêm để hỗ trợ các nhà trường một số công trình như: Bếp ăn trường mầm non, nhà để xe... trị giá 244 triệu đồng. Để tạo được sự đồng thuận trong công tác xã hội hóa, Đảng ủy, UBND xã Tân Thành cùng với các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy trình triển khai lấy ý kiến của các bậc phụ huynh về mức đóng góp, công trình cần xây dựng, việc thu chi đảm bảo công khai, minh bạch.

Chị Nguyễn Thị Thương, xóm La Bì, xã Tân Thành có 2 con đã và đang học trường Tiểu học cho biết: Một vài năm gần đây, nhà trường đều huy động các khoản đóng góp xã hội hóa để kiên cố trường lớp học. Với nguồn thu này, các bậc phụ huynh chúng tôi đều thấy nhất trí ủng hộ ngay. Bởi, nhà trường rất công khai, minh bạch các khoản thu đối ứng để xây dựng từng công trình. Sau khi hoàn thành đều công khai các khoản thu chi cho công trình nên phụ huynh chúng tôi rất yên tâm. Hơn nữa, số tiền đóng góp là để cho con em mình có chỗ học tập khang trang, sạch sẽ hơn, như thế mới tạo điều kiện để các cháu thích thú, ham mê hơn trong học tập. Với sự đầu tư này, đến nay, trường Mầm non Tân Thành là trường đầu tiên của huyện đã được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, trường THCS đang đề nghị công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, trường Tiểu học đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận lại.
Đồng quan điểm với chị Thương, cô Trương Thị Hải Nguyên, Hiệu trưởng trường THCS Bàn Đạt cho biết thêm: Năm học 2016-2017, nhà trường đưa vào sử dụng nhà lớp học 2 tầng 10 phòng học. Việc đầu tư này đã giúp trường có đủ phòng học cho học sinh, phòng chức năng, phòng bộ môn, các phòng học đủ tiêu chuẩn. Khi có đủ phòng học theo yêu cầu, học sinh được học thực hành nhiều nên dễ tiếp thu bài hơn. Nhờ điều kiện này, năm học vừa qua số học sinh đạt giải, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng hơn so với các năm học trước; số học sinh bỏ học giảm hẳn.

Trường Mầm non Tân Thành được đầu tư khang trang


Ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Để huy động, phân bổ nguồn lực đầu tư trường, lớp học, từ năm 2009, UBND huyện đã thành lập Ban kiên cố hóa trường lớp học, bao gồm lãnh đạo UBND huyện, Phòng Giáo dục – Đào tạo, Phòng Tài chính – Kế hoạch và một số phòng liên quan. Khi Ban được thành lập sẽ giúp UBND huyện phân bổ nguồn lực đầu tư cho các trường theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các xã chuẩn bị về đích nông thôn mới, xã khó khăn, trường học xuống cấp; chỉ đạo các xã, thị trấn trong quy hoạch mạng lưới trường lớp học, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực đối ứng.

Trong tổng số 1.100 phòng học ở 64 trường trên địa bàn huyện, đã có trên 600 phòng học được kiên cố, đây là cơ sở để các trường nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, Phú Bình là huyện còn nhiều khó khăn, vẫn còn nhiều phòng học xuống cấp chưa bố trí được nguồn lực đầu tư; đặc biệt, những năm gần đây, với sự tăng nhanh số lượng các cháu học sinh đặc biệt ở cấp mầm non dẫn đến quá tải ở nhiều trường lớp học. Do đó, nhiệm vụ kiên cố hóa trường lớp học để nâng cao chất lượng dạy và học luôn là yêu cầu bức thiết đặt ra. Thời gian tới, để giảm dần số phòng học cấp 4 xuống cấp, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, địa phương và trường học phải đảm bảo quỹ đất, mặt bằng, sẵn sàng đón đợi các nguồn đầu tư, tiếp tục huy động có hiệu quả nguồn xã hội hóa giáo dục. 

Nguồn: thainguyen.gov.vn
Tác giả: Nguyễn Chi (Đài TT-TH huyện Phú Bình)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1470325