Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

PCI năm 2022: Niềm tin và hy vọng

2022-06-30 21:18:00.0

 

Sản xuất thiết bị y tế tại Công ty TNHH Mani Hà Nội chi nhánh tại KCN Điềm Thuỵ, Phú Bình, Thái Nguyên

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hằng năm đồng chủ trì khảo sát, đánh giá xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Theo đó năm 2021, cơ quan khảo sát, đánh giá chỉ số PCI dựa trên 10 chỉ số thành phần với 144 chỉ tiêu đánh giá. Theo đó một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có 144 chỉ tiêu đánh giá là tốt, đóng góp điểm cho 10 chỉ số thành phần.

- Chi phí gia nhập thị trường thấp;
- Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định;
- Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;
- Chi phí không chính thức thấp;
- Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng;
- Môi trường cạnh tranh bình đẳng;
- Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp;
- Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao;
- Chính sách đào tạo lao động tốt;
- Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự;
 
Theo số liệu công bố mới đây, năm 2021 chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh Thái Nguyên đạt thứ hạng 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đứng thứ 03/14 tỉnh miền núi phía Bắc. So với năm 2020 (xếp thứ 11/63 với điểm tổng hợp đạt 66,56 điểm), năm 2021 đánh giá PCI của tỉnh Thái Nguyên giảm 17 bậc trên bảng xếp hạng toàn quốc và cũng là năm giảm sâu nhất về thứ hạng sau 5 năm trở lại đây (năm 2016 xếp thứ 15, năm 2017 xếp thứ 18, năm 2019 xếp thứ 12, năm 2020 xếp thứ 11). Mặc dù Chỉ số PCI của tỉnh giảm thứ hạng so với năm 2020 nhưng vẫn nằm trong Top khá trong cả nước. Nhìn nhận khách quan việc tụt giảm thứ hạng một phần do các tỉnh, thành phố có sự quan tâm đặc biệt và ganh đua mạnh mẽ. Do vậy có tỉnh tăng hạng ắt có tỉnh phải tụt hạng. Đó là sự cạnh tranh bình đẳng, tích cực vì một môi trường sản xuất kinh doanh của Việt Nam thuận lợi, an toàn, bình đẳng và có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên nhìn thẳng vào sự thật, dưới góc độ chủ quan, Chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2021 cho thấy 144 chỉ tiêu đánh giá của 10 chỉ số thành phần của tỉnh Thái Nguyên còn nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia, dư địa để Thái Nguyên thực hiện tốt các chỉ tiêu là rất lớn, do vậy các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp chung sức, đồng lòng, quyết liệt hành động thì thứ hạng PCI năm 2022 sẽ có sự thay đổi tích cực. Khi ấy chính quyền, doanh nghiệp đều được hưởng lợi, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đời sống người lao động được nâng cao...
 

Để đạt được những kỳ vọng đó, tỉnh Thái Nguyên cụ thể hơn là các sở, ngành, địa phương cần duy trì đà tăng của 3 chỉ số được đánh giá tốt trong năm 2021 đó là: Chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chỉ số Cạnh tranh bình đẳng và chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Bên cạnh đó, thì 7 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2020 cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để cải thiện thứ hạng một cách mạnh mẽ. Cụ thể các chỉ số: Chi phí gia nhập thị trường; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động và tiên phong của chính quyền; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động ngày 05/12/2020

Ngay từ khi chưa công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã xác định cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm. Theo đó căn cứ Bộ chỉ số PCI tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 19/01/2022 của UBND tỉnh và Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; tỉnh thường xuyên chỉ đạo rà soát các cơ chế, chính sách về đầu tư, kinh doanh, kiến nghị sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán và loại bỏ các nội dung không còn phù hợp với cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp; phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, hội doanh nghiệp các huyện, thành phố tuyên truyền trong cộng đồng doanh nghiệp về việc đánh giá chỉ số PCI một cách khách quan, trung thực, chính xác coi đó là kênh thông tin quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm công vụ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư, chỉ ra nguyên nhân để xử lý kịp thời; chỉ đạo xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, chậm trễ trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính nếu có. Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số để thay đổi phương thức quản lý, phương thức và hiệu quả sản xuất kinh doanh, minh bạch hóa thông tin; thực hiện phân công trách nhiệm đến từng sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đến từng chỉ tiêu đánh giá.  

Sự quyết tâm của các cấp chính quyền cùng với dư địa để thực hiện các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí đánh giá chỉ số PCI và khát vọng vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Thái Nguyên cho chúng ta những niềm tin, hy vọng. Chỉ số PCI được cải thiện chính là sự cổ vũ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp cho sự chuyển đổi mạnh mẽ từ địa phương.

Đình Lộc
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1470875