Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Chuyện nhà anh Lý

2022-07-01 15:26:00.0

Nhờ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, gia đình anh Ngô Văn Lý trở thành hộ có kinh tế khá giả.

Xóm La Mạ có hơn 300 hộ, trong đó 32 hộ là người dân tộc Mông. Nhà anh Lý là 1 trong số những hộ người Mông về định cư ở La Mạ sau nhất nhưng lại có cuộc sống khá ổn định so với nhiều gia đình trong vùng.

Ngồi trà nước trong ngôi nhà 4 gian mới xây còn nồng mùi vôi gạch, anh Lý hóm hỉnh: Hết gần nửa tỷ thì nhà xây xong. Tiền làm nhà có từ chăn nuôi trâu, bò, làm ruộng và tiền đi làm thuê tích lũy nhiều năm mới đủ.

Cùng đi với tôi, anh Trần Xuân Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâu Thượng gật đầu xác nhận. Giây lát ngẫm ngợi, anh cho biết thêm: Ít năm trước, nhà anh Lý thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhờ cần cù, chịu học hỏi kinh nghiệm sản xuất, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức và được Nhà nước hỗ trợ thông qua việc cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Lý đã "chèo chống" kinh tế gia đình mình vươn lên khá giả.

Câu chuyện đưa chúng tôi ngược về quá khứ: Năm 2012, anh Lý bán toàn bộ gia sản ở Hà Quảng (Cao Bằng) và chuyển về đất này lập nghiệp. Dồn toàn bộ vốn liếng, anh mua được 15 sào đất để trồng cấy và một căn nhà tạm cho 8 nhân khẩu trong nhà trú mưa, tránh nắng. Mất gần 3 năm vừa cấy trồng lấy lương thực ăn trước mắt, gia đình anh đã “quy hoạch” xong toàn bộ khu đất, chỗ trũng cải tạo để giữ nước cấy lúa 2 vụ, chỗ cao dành trồng ngô màu. Mùa nối mùa, gia đình anh không phải lo thiếu lương thực, mà còn có dư để bán hoặc cho những hộ khó khăn trong vùng vay mượn ngày giáp hạt.

Chợt từ ngoài sân có cháu bè ùa vào bi bô gọi anh Lý bằng ông ngoại. Tôi giật mình vì năm 2022 này anh Lý mới 37 tuổi, nhưng đã có cháu ngoại 3 tuổi. Anh khề khà: Vợ chồng tôi cùng tuổi con trâu (Ất Sửu - 1985), lấy nhau năm 16 tuổi, đẻ liền tù tì 5 con, gồm 3 gái, 2 trai. 10 năm trước, khi dời núi hạ sơn về đây, con lớn 10 tuổi, con út 4 tuổi, nhếch nhác nghèo.

Ngồi bên hiên nhà, chị Dương Thị Vinh, vợ anh Lý góp chuyện: Nhà nghèo cũng vì đẻ nhiều, đẻ dày. Mà tôi cũng như nhiều phụ nữ người Mông đến tuổi là đi làm dâu rồi sinh con. Lưng địu, ngực ôm, tay dắt, bận rộn tối mặt. Chị bặm môi vẻ suy nghĩ, rồi tiếp lời: Từ năm 2002 đến năm 2008, trong 7 năm, vợ chồng tôi… "sản xuất" được 5 người con. Cứ lít nhít, ăn khổ, ngủ khổ, làm gì cũng thấy khổ.

"Một "nỗi khổ gia truyền” trong nhiều dòng họ người Mông". Tôi nói như thế vì biết con gái đầu lòng của vợ chồng Lý - Vinh… cũng giống mẹ, đi làm dâu lúc đầy tuổi 16. Con gái thứ hai trong nhà là Ngô Thị Hoan cũng mới bỏ học THPT. Cháu ở nhà làm tóc giả lấy tiền làm vốn riêng. Hoan khoe: Mỗi tháng cháu kiếm được gần 1 triệu đồng. Bố mẹ bảo cất đi, mấy bữa nữa lấy chồng mang ra sắm váy áo.

Trời cho sức, anh Lý lao động quần quật không kể đêm ngày. Mỗi năm anh thu về gần 5 tấn thóc, chưa kể ngô màu các loại. Anh bảo: Gạo để ăn, ngô để nuôi lợn. Có lợn to, bán mấy lứa liên tục, tôi đủ tiền mua máy tuốt lúa để làm thêm dịch vụ. Rồi tiền dư tôi mua trâu, bò về nuôi vỗ béo, cứ vài tháng bán 1 con, mỗi con lãi từ 15 đến 20 triệu đồng. Lúc nhiều có gần chục con trong chuồng. Còn hiện nhà có 6 con, gồm 4 bò, 2 trâu, trong đó có 2 con bò nái sinh sản. Nhưng để có đủ cỏ làm thức ăn cho đàn vật nuôi, phải có 2 lao động đến khe núi cách nhà gần 3km lấy cỏ mỗi ngày.

Một trong những người đi lấy cỏ làm thức ăn cho trâu, bò là ông Ngô Văn Dinh, 59 tuổi. Ông Dinh nói vui: Tôi là bố của Lý, là cụ của đứa bé vừa nãy. Tức là có cháu gọi bằng cụ… Mọi người có mặt trong nhà cùng cười xòa. Ai nấy vui vẻ vì được chứng kiến cuộc sống no đủ của nhà anh Lý bây giờ. Còn anh Lý phân bua: Mình là lao động chính, vất vả một tí, nhưng mỗi năm cũng để ra được 100 triệu đồng.


baothainguyen.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1470820