Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm

2022-07-06 14:26:00.0

Công tác đảm bảo vệ sinh ATTP luôn được Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Thắng Lợi chú trọng.

Công ty TNHH Thực phẩm Sông Công ở phường Mỏ Chè là doanh nghiệp sản xuất bún tươi có quy mô khá lớn, do vậy, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP luôn được chú trọng. Quy trình sản xuất bún an toàn được doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến chế biến. Hàng tuần, cơ quan chuyên môn của thành phố phối hợp lấy các mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên nhằm đảm bảo ATTP. Hiện, bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp cung cấp 5-7 tấn bún cho các khách hàng.

Ông Nguyễn Khắc Nguyên, Trưởng Phòng Y tế TP. Sông Công thông tin: Cùng với sự lớn mạnh của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố ngày càng gia tăng. Sự phát triển của loại hình này đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người lao động, song cũng tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Từ thực tế này, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm; tuyên truyền, nêu gương các mô hình làm tốt và công khai các cơ sở vi phạm. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường, tập trung vào các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao như: Thức ăn nhanh, nước giải khát…

Tính đến hết tháng 6-2022, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP của thành phố đã tiến hành kiểm tra trên 150 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP (15-4 đến 15-5), thành phố đã thành lập 11 đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 89 cơ sở, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 7 cơ sở với số tiền 6,4 triệu đồng.

Nội dung kiểm tra tập trung vào các điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định của Luật ATTP như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận tập huấn kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người lao động; hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc hàng hóa…

Kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố trên địa bàn TP. Sông Công còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát, không tập trung, gây khó khăn cho việc quản lý. Ở các chợ, không gian dành cho tiểu thương kinh doanh thực phẩm còn đan xen với các mặt hàng khác, hệ thống cấp, thoát nước chưa đảm bảo khiến công tác vệ sinh ATTP còn nhiều hạn chế...

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ATTP, hằng năm, thành phố tổ chức 3-5 lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên môn. Chỉ đạo các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông trên địa bàn; ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, nhập lậu; việc kinh doanh phụ gia thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp…

Nhờ quyết liệt triển khai các giải pháp, thời gian qua, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến tích cực. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn nguồn nguyên liệu an toàn, sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc.

Đại diện Cửa hàng Hải Thủy ở phường Bách Quang cho biết: Hằng năm, được tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền Luật ATTP, chúng tôi ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như của chính gia đình mình. Do vậy, các mặt hàng bày bán tại cửa hàng đều có nguồn gốc rõ ràng, hóa đơn chứng từ đầy đủ, không có hàng quá hạn sử dụng…

TP. Sông Công hiện có 455 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và thức ăn đường phố. Để tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo ATTP, cùng với tuyên truyền, thành phố sẽ đẩy mạnh thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm.

Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, bản thân mỗi người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để trở thành người tiêu dùng thông thái, bảo vệ tốt nhất sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm.


baothainguyen.org.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 1470325